XU HƯỚNG BỎ TÚI NILONG – GIẢI PHÁP NÀO CHO VIỆT NAM

Trong khi nhiều nước trên thế giới đang có xu hướng từ bỏ túi nilon thì, ở nước ta, việc sử dụng tràn lan các loại túi nilon trong các hoạt động sinh hoạt xã hội, chủ yếu và đặc biệt là loại túi siêu mỏng, thể hiện sự dễ dãi của cả người cung cấp cũng như người sử dụng. Vậy có giải pháp nào để hạn chế việc sử dụng túi nilon?

Túi nilon cần bao nhiêu năm để phân hủy

Theo các nhà khoa học, túi nilon được làm từ những chất khó phân hủy, khi thải ra môi trường phải mất từ hàng chục năm cho tới một vài thế kỷ mới được phân hủy hoàn toàn trong tự nhiên.

Nhiều quốc gia có xu hướng từ bỏ túi nilon

Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi túi nilon lẫn vào đất sẽ ngăn cản ôxy đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng.

Nghiêm trọng hơn, môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nilon sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Trong thực tế, nhiều loại túi nilon được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi ngấm vào nguồn nước sẽ xâm nhập vào cơ thể người gây rối loạn chức năng và dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ.

Túi nilon làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, túi nilon còn gây mất mỹ quan và cảnh quan. Ô nhiễm môi trường do chất thải túi nilon hiện được các nhà môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”.

Xu hướng từ bỏ túi nilon

Cùng với Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới đã hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất trong những năm qua và ngày càng nhiều quốc gia có xu hướng từ bỏ túi nilon trong cuộc sống hàng ngày – theo VTV.

Ngày càng nhiều quốc gia có xu hướng từ bỏ túi nilon trong cuộc sống hàng ngày, tiến tới một tương lai hoàn toàn không có túi nilon.

Theo những đề xuất đầu năm mới 2018, Thủ tướng Anh Theresa May đang thúc đẩy xóa bỏ hoàn toàn sử dụng nhựa “có thể tránh” vào năm 2042. Thay thế tất cả những thứ có thể thay thế với các vật liệu khác không phải nhựa. Các siêu thị được động viên mở những dãy hàng “không nhựa” riêng. Kế hoạch mới của Chính phủ Anh được đưa ra với mục đích xây dựng một nước Anh xanh và sạch hơn.

Trên khắp châu Âu nói chung, thói quen sử dụng túi nilon cũng đang được thay đổi. Chính phủ nhiều quốc gia bao gồm Luxembourg, Đan Mạch đã áp thuế vào những loại túi sử dụng 1 lần, trong khi đó các siêu thị ở Đức đang tích cực loại bỏ túi nilon, nhựa và thay thế bằng những chất liệu tái sử dụng bền hơn.

Năm 2017, Kenya đã chính thức quy việc sản xuất, sử dụng túi nilon là bất hợp pháp. Điều luật được ban hành khi cả quốc gia Kenya đang sử dụng 24 triệu chiếc túi nilon 1 tháng. Bất cứ ai vi phạm sẽ phải đối mặt với mức án 4 năm tù và phạt 38.000 USD. Hành khách đáp máy bay xuống Kenya nếu có dùng túi miễn thuế mua ở sân bay cũng phải bỏ túi mới được nhập cảnh.

Trong khi đó Zimbabwe cũng có những thay đổi trong chính sách của mình khi cấm hoàn toàn các hộp xốp đựng thức ăn mua về, thay thế bằng những hộp giấy hoặc hộp làm từ bột ngô.

Còn Chính phủ Scotland cấm mua bán và sản xuất những que bông tai nhựa và những sản phẩm nhựa tương tự, vốn thường bị xả ra biển. Giải pháp thay thế là những vật liệu có thể phân hủy được.

Giải pháp nào cho Việt Nam?

Về giải pháp chính sách, xin trở lại với loại giải pháp hành chính là cấm lưu hành và sử dụng túi nilon như Trung Quốc hiện được áp dụng từ ngày 1/6/2008. Điều kiện để áp dụng giải pháp cấm đoán thường được nêu là có chế tài, bộ máy giám sát thực thi tốt, có vật dụng thay thế. Xin bổ sung thêm điều kiện nữa về kinh tế, điều kiện này là quan trọng, mang tính chất quyết định vì một khi thu nhập dân cư còn thấp thì hành vi của người tiêu dùng (cả người sản xuất, phân phối) tất yếu hướng nhiều vào loại hàng hóa, dịch vụ giá rẻ. Trong trường hợp túi nilon giá thì rẻ còn được khuyếch đại lên nhiều bởi tính tiện dụng, kết quả là người tiêu dùng thu nhập thấp lựa chọn túi nilon mặc dù nhận thức được tác hại tới môi trường và sức khỏe, sự cấm đoán sẽ ít tác dụng.

Như vậy, theo Tổng cục Môi trường, đối với chất thải túi nilon nên hướng chủ yếu vào các giải pháp kinh tế. Các loại giải pháp khác (kể cả hành chính) là bổ sung, hỗ trợ. Cần cả 2 loại giải pháp kinh tế là công cụ thị trường và trợ giá.

Về công cụ thị trường, đó là quan hệ cung – cầu và giá cả. Cần tăng cường cung cấp cho thị trường loại túi nilon thân thiện môi trường đồng thời hạn chế sản xuất và cung ứng loại túi nilon khó phân hủy. Năng lực sản xuất loại túi nilon thân thiện môi trường ở nước ta được đánh giá là có khả năng với công nghệ trong nước, đã đưa ra thăm dò thị trường một số năm gần đây nhưng kết quả chưa nhiều vì lý do chưa cạnh tranh được với loại túi nilon khó phân hủy đang thông dụng hiện nay về giá cả. Mặc dù đã có những cố gắng giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn còn cao hơn vài chục phần trăm so với sản xuất loại túi nilon khó phân hủy. Công ty ALTA ở TP Hồ Chí Minh đã sản xuất loại bao bì nhựa có thể tự phân hủy (từ 3 tháng đến lâu hơn tùy theo yêu cầu) từ năm 2003, đã đưa ra thăm dò thị trường và đang xuất khẩu mặt hàng này ra nước ngoài. Tuy nhiên, theo người phụ trách kinh doanh Công ty, do giá thành của bao bì nhựa tự hủy cao hơn bao bì nhựa thường từ 15 – 20% nên chưa được các khách hàng trong nước lựa chọn.

Sự trợ giúp này về BVMT phù hợp với chức năng quản lý nhà nước và đã được luật định (Khoản 6, Điều 5; Mục c, khoản 2, Điều 111, Luật Bảo vệ môi trường 2005 và được cụ thể hóa tại Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/1/2009 về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động BVMT). Nhiều nước trên thế giới cũng đang trợ giá cho các bao bì thân thiện môi trường (một số siêu thị ở Thái Lan áp dụng giảm 15 -30% cho những khách hàng dùng túi xách của mình để đựng đồ). Sự trợ giúp này đối với trường hợp loại túi nilon khó phân hủy với giả định giá bán hiện nay ở nước ta khoảng 200 đ/túi thì trợ giúp của Nhà nước (trợ giá) khoảng 15% sẽ là 30 đ/túi. Với mức tiêu dùng hiện nay (khoảng 30 tỷ chiếc/năm) và giả định lộ trình thay thế trong một số năm trước mắt là 10% số lượng mỗi năm thì ước tính mức trợ giá của Nhà nước cho loại túi nilon thân thiện môi trường khoảng gần 100 tỷ đồng mỗi năm.

Cũng có thể đưa vào cân nhắc con số ngân sách sự nghiệp môi trường hàng năm dành cho kiểm soát, bao gồm cả xử lý ô nhiễm môi trường do chất thải và các khoản thu khác từ môi trường (thuế, phí, phạt…) cũng như các nguồn quốc tế (hỗ trợ chính thức và phi chính thức) cho môi trường cùng khả năng trích ra hỗ trợ sản xuất túi nilon thân thiện môi trường để có thêm cơ sở về kinh tế – tài chính cho việc lựa chọn giữa trợ giá với chấp nhận xử lý “theo cuối đường ống” như hiện nay. Cũng lưu ý thêm rằng, sự trợ giá này chỉ diễn ra trong một số năm nhất định để mang tính chất tạo đà vì theo quy luật thị trường, khi thị phần của sản phẩm mới đạt tới tỷ lệ nhất định (thường là điểm “hòa vốn”) thì doanh nghiệp tự cân đối mà không cần tới sự trợ giúp từ bên ngoài.

Theo quy định tại Khoản 3, Nghị định số 04/2009/NĐ-CP thì nguồn kinh phí hỗ trợ giá được lấy từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam còn hạn chế về nguồn vốn huy động thì cần thêm nguồn hỗ trợ khác có thể huy động theo quy định của pháp luật. Theo tính toán sơ bộ, bên cạnh khả năng hỗ trợ của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam thì với khoản ngân sách sự nghiệp môi trường hàng năm (1% tổng chi ngân sách – khoảng 5.000 tỷ đồng) và các khoản thu khác từ môi trường cùng các khả năng khác như khoản ngân sách sự nghiệp kinh tế của các Bộ, ngành, địa phương có thể chi cho BVMT, các nguồn quốc tế cho môi trường ước hàng nghìn tỷ đồng nữa thì việc cân nhắc khoản trợ giá khoảng một vài trăm tỷ đồng mỗi năm (trong vài năm) hỗ trợ sản xuất túi nilon thân thiện môi trường chắc không phải là khó khăn.

Các giải pháp khác được tiến hành đồng thời cũng sẽ góp phần hỗ trợ người phân phối và người tiêu dùng lựa chọn sử dụng túi nilon thân thiện môi trường và qua đó tăng nhanh tỷ phần thị trường của loại túi này, giúp giảm dần sự trợ giá cho sản xuất.

Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính chúng ta.

Đánh giá post

Tin liên quan